Sẽ là điều khá bình thường khi trong một chuyến đi dài (hoặc ngắn), có người hỏi: “Mình tới nơi chưa?” hoặc “Còn bao xa nữa?” Có ai chưa từng nghe những thắc mắc như thế từ miệng của con trẻ hoặc cả người lớn đang mong chờ đến nơi đã định? Thế nhưng, dù ở độ tuổi nào thì con người vẫn thường có khuynh hướng đưa ra câu hỏi tương tự khi mệt mỏi, nản lòng vì cớ những thử thách trong đời dường như không ngừng ập tới.

Đó cũng chính là trải nghiệm của Đa-vít trong Thi Thiên 13. Chỉ trong hai câu (c.1–2), Đa-vít đã bốn lần than khóc: “Cho đến chừng nào?” – ông cảm thấy bị quên lãng, bị bỏ rơi và bị đánh bại. Trong câu 2, ông hỏi: “Con phải khốn khổ trong tâm hồn, hằng ngày con phải buồn thảm trong lòng cho đến bao giờ?” Các bài Thi Thiên có những câu than khóc tương tự như thế này, ngụ ý rằng chúng ta được phép đến thờ phượng Chúa cùng với những câu hỏi của chính mình. Xét cho cùng thì ngoài Chúa ra, còn có ai tốt hơn để chúng ta giãi bày khi trải qua những lúc căng thẳng và mệt mỏi không nguôi? Chúng ta hãy trình dâng lên Chúa những tranh chiến của mình trong bệnh tật, đau buồn, sự bướng bỉnh của con cái và cả những khó khăn trong các mối liên hệ.

Chúng ta không cần phải ngừng thờ phượng Chúa khi có thắc mắc. Vua thiên đàng luôn chào đón chúng ta và Ngài sẵn sàng lắng nghe những thắc mắc và lo lắng mà chúng ta trình dâng lên Ngài. Và có lẽ giống như Đa-vít, vào đúng thời điểm, các thắc mắc của chúng ta sẽ biến thành những lời cầu xin, tin cậy và ca ngợi Chúa (c.3–6).
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài vì con không cần phải ngừng thờ phượng Ngài khi có những thắc mắc; con có thể thờ phượng Ngài trong lúc trình dâng những thắc mắc lên cho Ngài.
Hãy trình dâng những thắc mắc của bạn lên cho Chúa.


© 2019 Lời Sống Hằng Ngày
Sẽ là điều khá bình thường khi trong một chuyến đi dài (hoặc ngắn), có người hỏi: “Mình tới nơi chưa?” hoặc “Còn bao xa nữa?” Có ai chưa từng nghe những thắc mắc như thế từ miệng của con trẻ hoặc cả người lớn đang mong chờ đến nơi đã định?