Tôi luôn kinh ngạc trước cách mà sự bình an – một sự bình an đầy năng quyền và vượt quá sự hiểu biết (Phi. 4:7) – có thể lấp đầy tấm lòng của chúng ta bằng cách nào đó trong những giờ phút đau buồn nhất. Lần gần đây nhất tôi kinh nghiệm điều này là trong tang lễ của bố tôi. Khi hàng dài những người thân quen đi qua để gởi lời chia buồn, tôi được an ủi khi thấy người bạn thân thời trung học. Không nói lời nào, cậu ấy chỉ ôm tôi thật chặt. Sự thấu hiểu trong yên lặng của cậu ấy đã làm tràn ngập trong tôi cảm giác bình an đầu tiên trong nỗi đau buồn của ngày khó khăn đó, đó là lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng tôi không cô đơn như mình tưởng.

Như Đa-vít mô tả trong Thi Thiên 16, sự bình an và vui mừng mà Chúa đem đến trong đời sống chúng ta không đến bởi quyết định dồn nén nỗi đau trong những lúc khó khăn; nhưng đó là món quà mà chúng ta không ngừng kinh nghiệm khi nương náu nơi Đấng thiện lành (c.1-2).

Chúng ta có thể phản ứng với nỗi đau mà sự chết đem lại bằng cách không chú ý tới nó, với suy nghĩ rằng hướng về những điều khác sẽ giúp chế ngự nỗi đau. Nhưng sớm muộn gì chúng ta cũng sẽ thấy rằng những nỗ lực nhằm tránh né nỗi đau chỉ càng làm cho đau đớn hơn (c.4).

Hoặc chúng ta có thể đến với Chúa, tin cậy rằng ngay cả khi chúng ta không hiểu thì cuộc đời mà Ngài ban cho – kể cả trong đau đớn – vẫn đẹp đẽ và tốt lành (c.6-8). Và chúng ta có thể đầu phục trong vòng tay yêu thương mà Ngài bồng ẵm chúng ta đi qua nỗi đau để bước vào sự bình an và vui mừng mà ngay cả cái chết cũng không thể dập tắt (c.11).
Lạy Chúa, cảm ơn Ngài về cách mà Ngài nhẹ nhàng ôm lấy và bồng ẵm chúng con trong những lúc vui, lẫn những lúc đau đớn. Xin giúp chúng con tin cậy Ngài để nhận được sự chữa lành.
Tình yêu của Chúa bồng ẵm chúng ta qua nỗi đau để bước vào sự bình an và vui mừng.


© 2019 Lời Sống Hằng Ngày
Tôi luôn kinh ngạc trước cách mà sự bình an – một sự bình an đầy năng quyền và vượt quá sự hiểu biết (Phi. 4:7) – có thể lấp đầy tấm lòng của chúng ta bằng cách nào đó trong những giờ phút đau buồn nhất.