Thursday, July 23, 2020

Lời Sống Hằng Ngày - Vết Sẹo Của Ngài

https://vietnamese-odb.org/2020/07/24/vet-seo-cua-ngai/

Vết Sẹo Của Ngài

Đọc: Giăng 20:24–29 | Đọc Kinh Thánh suốt năm: Thi Thiên 35–36; Công Vụ 25

Người đã vì tội lỗi của chúng ta mà bị vết... bởi lằn roi Người mang, chúng ta được lành bệnh.
— Ê-sai 53:5

Sau cuộc trò chuyện với Grady, tôi nhận ra lý do anh ấy thích chào hỏi bằng “cái cụng tay” thay vì bắt tay. Bắt tay sẽ làm lộ ra những vết sẹo trên cổ tay của anh ấy, là kết quả của việc cố gắng tự làm hại bản thân. Việc chúng ta che giấu vết thương của mình – bên ngoài hoặc bên trong – do người khác hoặc tự bản thân gây ra không phải là điều hiếm thấy.

Sau cuộc gặp với Grady, tôi nghĩ về những vết sẹo trên thân thể của Chúa Jêsus, những vết thương do bị đinh đóng vào tay chân và giáo đâm vào hông. Thay vì che giấu, Đấng Christ đã hướng sự chú ý đến những vết sẹo.

Sau khi Thô-ma nghi ngờ việc Chúa Jêsus sống lại từ cõi chết, Ngài bảo ông: “Hãy đặt ngón tay con vào đây và xem bàn tay Ta. Hãy đưa bàn tay con ra và đặt vào sườn Ta. Đừng vô tín, nhưng hãy tin” (Gi. 20:27). Khi chính Thô-ma nhìn thấy những vết sẹo đó và nghe những lời đầy kinh ngạc từ Đấng Christ, ông được thuyết phục rằng đó chính là Chúa Jêsus. Ông thốt lên bày tỏ niềm tin: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!” (c.28). Sau đó, Chúa Jêsus tuyên bố phước lành đặc biệt cho những người chưa từng thấy Ngài hoặc vết thương trên thân thể Ngài nhưng vẫn tin: “Phước cho những người không thấy mà tin” (c.29).

Tin tốt nhất từ trước đến nay đó là những vết sẹo của Ngài là vì tội lỗi của chúng ta – tội lỗi đối với người khác hoặc chính mình. Sự chết của Chúa Jêsus là để tha thứ tội lỗi cho tất cả những ai tin Ngài và cùng xưng nhận với Thô-ma: “Lạy Chúa của con và Đức Chúa Trời con!”
Hoàn cảnh nào dẫn bạn đến chỗ tin rằng vết sẹo của Chúa Jêsus là vì bạn? Nếu bạn không tin Ngài tha thứ tội lỗi của mình, điều gì ngăn trở bạn không tin Ngài hôm nay?
Lạy Cha, con tin rằng vết sẹo của Đấng Christ là vì tội lỗi của con. Con biết ơn Ngài!


Chú Giải

Chúng ta có thể biết được nhiều về sự phục sinh của Chúa Jêsus bằng cách kết nối các phân đoạn ký thuật về sự kiện này trong các sách Phúc Âm. Trước khi Chúa Jêsus xuất hiện với Thô-ma trong Giăng 20:24-29, Ngài hiện ra với Ma-ri Ma-đơ-len và “Ma-ri khác” (xem Mat. 28:1), với hai môn đồ trên đường đến Em-ma-út (Lu. 24:13-32) và với tất cả các môn đồ trừ Thô-ma (Gi. 20:19-24). Lu-ca ký thuật lại lời của Chúa Jêsus: “Hãy chạm đến Ta xem! Thần linh thì không có thịt xương, mà các con thấy Ta có đây!” (Lu. 24:39). Các môn đồ nhìn thấy Ngài ăn một miếng cá nướng. Giăng 20:19 cho biết: “ngày thứ nhất trong tuần, cửa nơi các môn đồ ở đều đóng vì sợ người Do Thái” và “Đức Chúa Jêsus đến đứng giữa họ”. Một tuần sau, Thô-ma được nhìn thấy thân thể phục sinh của Đấng Christ (c.26-27), và ông đã tuyên xưng đức tin của mình. Các phân đoạn Kinh Thánh này bày tỏ nhân tính và thần tính của Chúa Jêsus và khẳng định sự phục sinh trong thân xác của Ngài.

Tim Gustafson

© 2020 Lời Sống Hằng Ngày
Sau cuộc trò chuyện với Grady, tôi nhận ra lý do anh ấy thích chào hỏi bằng “cái cụng tay” thay vì bắt tay.

No comments:

Post a Comment